TIN TỨC

Mở rộng cộng đồng công nghệ thông tin

16/04/2024
Việc tự cập nhật kiến thức công nghệ thông tin (CNTT), tự phát triển một sản phẩm phần mềm mới… đang trở nên dễ dàng cho tất cả mọi người.
Một buổi chiều tháng 4, trong căn phòng nhỏ trên đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu có hơn 30 bạn trẻ chăm chú lắng nghe anh Nguyễn Hữu Trình, lập trình viên của Công ty CP EM and AI hướng dẫn cách xây dựng chatbot (một ứng dụng mô phỏng các cuộc trò chuyện). Trong số các khán giả, chỉ một số ít làm việc trong lĩnh vực CNTT, còn lại là những người đang công tác ở những ngành nghề khác nhau.
Các bạn trẻ học cách tự xây dựng chatbot cơ bản trong buổi học của Developer Circles Đà Nẵng. (Ảnh: Developer Circles Đà Nẵng cung cấp)
Mở đầu buổi học, anh Trình khẳng định: “Để làm chatbot chất lượng thì cần phải biết kiến thức cơ bản về lập trình, nhưng để làm một chatbot vui vui mang tính giải trí thì chỉ cần biết… sử dụng máy tính là đủ”. Theo anh Trình, chatbot hiện là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan Nhà nước… cung cấp thông tin cho khách hàng, người dân, bởi nó có khả năng “trò chuyện” với người dùng mọi lúc mọi nơi, đưa ra thông tin nhanh và chính xác, đáp ứng nhu cầu cá nhân và nhiều người khác.
Theo anh Trình, phần mềm Dialogflow sẽ hỗ trợ xây dựng chatbot, tuy nhiên hiện còn có nhiều nền tảng hỗ trợ khác như: Chatfuel, Botsify… và không đòi hỏi người dùng phải biết lập trình. Ngay trong buổi học, nhiều chatbot đã được ra đời như chatbot tự động trả lời khách hàng của cửa hàng bán phụ kiện online, chatbot dạy nấu ăn hay thậm chí là… chatbot tán gẫu.
Chương trình thiết kế chatbot là một trong các sự kiện do Facebook Developer Circles (DevC) tại Đà Nẵng tổ chức. DevC là sáng kiến của Facebook, giúp xây dựng cộng đồng các lập trình viên tại các địa phương trên toàn thế giới. Ở Đà Nẵng, DevC được thành lập vào cuối năm 2018, với sáng lập viên là anh Nguyễn Hữu Trình và anh Đoàn Hữu An (lập trình viên tại Công ty TNHH Wakumo Việt Nam).
Anh An nói: “Chúng tôi muốn giúp các thành viên của cộng đồng tự xây dựng các sản phẩm của chính mình từ những bước đơn giản nhất, từ đó khơi dậy sự tò mò, yêu thích đối với công nghệ. Họ cần hiểu rằng CNTT không phải là chuyên môn dành riêng cho những lập trình viên, nhà phát triển sản phẩm. Nếu có thể dùng được Facebook, Gmail,… bạn cũng có thể tự xây dựng được chatbot hay trang web. Biết đâu, từ những sản phẩm đầu tay này mà các bạn trẻ tìm ra đam mê, định hướng nghề nghiệp cho mình”.
Trên thực tế, các hãng CNTT thường chọn việc xây dựng các cộng đồng mở ở từng địa phương, giao quyền cho đội ngũ sáng lập tại địa phương đó như một cách phát triển thương hiệu. Nếu như Facebook có Facebook Developer Circles thì Google có Google Developer Group, Microsoft có Microsoft Tech Community…
Điểm chung của các cộng đồng này là đều tạo ra môi trường để các thành viên chia sẻ kiến thức, hợp tác, xây dựng ý tưởng mới và khám phá những công nghệ mới. Ngoài ra, thành viên của các cộng đồng này có thể được hưởng một số lợi ích khác từ các tập đoàn lớn này như được tham dự khóa học công nghệ trực tuyến, được học hỏi trực tiếp từ các chuyên gia tập đoàn.
Chị Nguyễn Phương Nhi, sáng lập viên của Google Developers Group MienTrung tại Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây, cộng đồng lập trình viên nói riêng và những người yêu CNTT nói chung tại Đà Nẵng đã có rất nhiều khởi sắc với những sự kiện mở, tăng tương tác và kết nối. Những mối liên kết này mở ra rất nhiều cơ hội trong việc tuyển dụng nhân sự của các công ty CNTT, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.